Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

Nhà tuyển dụng đã biết cách từ chối ứng viên đúng chuẩn?

03:10 0 Comments
Từ chối ứng viên, nghe có vẻ là một việc đơn giản, chẳng mấy quan trọng nhưng thực tế nó lại là một trong những tiêu chí thể hiện sự chuyên nghiệp và uy tín của công ty. Nhiều công ty không có sự quan tâm đúng mức cho khâu này nên mắc phải những sai lầm dưới đây.

nha-tuyen-dung-biet-cach-tu-choi-ung1


1. Dùng sự im lặng để từ chối

Nhiều nhà tuyển dụng vào cuối buổi phỏng vấn sẽ nói với ứng viên rằng “chúng tôi sẽ gửi kết quả tới bạn sớm nhất” nhưng rồi họ lại chỉ gửi thông báo tới những ứng viên được chọn. Đây thực sự là một sai lầm. Các nhà tuyển dụng thường biện minh rằng có quá nhiều ứng viên và họ không có đủ thời gian để thông báo cho những người bị loại. Tuy nhiên, đấy không hề là một lý do chính đáng. Việc im lặng của nhà tuyển dụng sẽ khiến ứng viên phải chờ đợi trong thời gian dài,  họ sẽ đánh giá nhà tuyển dụng làm việc không chuyên nghiệp.

2. Từ chối ngay cuối buổi phỏng vấn

Cũng là một sai lầm lớn không kém khi nhà tuyển dụng quyết định thông báo kết quả cho ứng viên ngay sau buổi phỏng vấn, dù đó là kết quả đậu hay rớt. Quyết định nhanh chóng này chắc chắn sẽ không được ứng viên đánh giá cao. Họ sẽ nghĩ rằng công ty quyết định quá vội vã, không có sự xem xét kỹ lưỡng và sẽ khiến nhiều ứng viên cảm thấy không phục.

nha-tuyen-dung-biet-cach-tu-choi-ung


3. Từ chối qua điện thoại

Thông báo kết quả loại bằng cách gọi điện thoại không phải là lựa chọn tốt cho cả ứng viên và nhà tuyển dụng. Về phía ứng viên, cuộc điện thoại từ chối này có thể khiến cho họ có cảm giác hụt hẫng, nếu đó là công việc mà họ đang đặt rất nhiều hy vọng thì câu từ chối của nhà tuyển dụng có thể khiến họ xúc động dẫn đến tình huống khó xử cho đôi bên. Về phía nhà tuyển dụng, việc gọi điện thoại cho ứng viên bị loại sẽ gây lãng phí thời gian và tiền bạc của công ty.

Vậy từ chối thế nào mới đúng chuẩn?


Giải pháp tốt nhất để từ chối ứng viên đó là gửi thông báo qua email. Trong email, nhà tuyển dụng có thể từ chối một cách tế nhị những ứng viên chưa phù hợp và bày tỏ mong muốn nhận được sự quan tâm của ứng viên ở những đợt tuyển dụng khác của công ty. Bằng cách này, nhà tuyển dụng cũng có thể tạo được cầu nối với ứng viên, duy trì hình ảnh của một công ty có tác phong làm việc chuyên nghiệp.

Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

Gọi tên 4 phong cách nhà phỏng vấn thường gặp

22:24 0 Comments
Sắp tới bạn sẽ có một cuộc phỏng vấn quan trọng. Bạn đã chuẩn bị tất cả mọi thứ từ CV, các câu hỏi, trang phục,… Nhưng bạn có nghĩ tới liệu mình sẽ gặp một người phỏng vấn như thế nào chưa? Nhiều người nghĩ rằng chuyện này thì không thể nào biết trước được, nhưng thực tế bạn hoàn toàn có thể chuẩn bị trước để ứng phó tốt hơn trong buổi phỏng vấn. Mỗi người sẽ có cách phỏng vấn khác nhau, nhưng nhìn chung sẽ có 4 phong cách thường gặp sau:
1. Nhà phỏng vấn thân thiện

goi-ten-4-phong-cach-nha-phong-van1

Những nhà phỏng vấn theo phong cách này thường tạo cho ứng viên cảm giác rất thoải mái. Ngay khi bạn bước vào, họ sẽ nở nụ cười thật tươi và hỏi bạn những câu chào hỏi rất thân thiện để xóa tan cảm giác ngại ngùng lo lắng của bạn. Và sau đó buổi phỏng vấn sẽ diễn ra tự nhiên như một cuộc trò chuyện giữa những người quen. Bạn có thể sẽ cảm thấy mình thật may mắn vì gặp được một nhà phỏng vấn dễ tính như vậy, nhưng đừng mừng vội, đấy có thể là nghệ thuật phỏng vấn của họ. Họ dẫn dắt ứng viên vào cuộc phỏng vấn một cách thoải mái nhất có thể để nhận được câu trả lời cởi mở và chân thật nhất. Nếu gặp phải những nhà phỏng vấn như vậy, đừng mất cảnh giác, bạn tuyệt đối nên chú ý trong các câu trả lời của mình.
2. Nhà phỏng vấn đáng sợ

goi-ten-4-phong-cach-nha-phong-van2

Trái ngược với các nhà phỏng vấn thân thiện, một số khác lại có phong cách rất độc – phong cách dọa dẫm. Bạn có thể hình dung mình sẽ được hỏi những câu hỏi “đáng sợ” như: “Tôi thấy bạn chẳng có gì nổi bật, tại sao chúng tôi phải tuyển bạn?” hay “Công việc rất áp lực, tôi e là bạn sẽ không chịu đựng nổi…” Trước tình huống này có thể bạn sẽ bị phân tâm và bắt đầu lúng túng trong các câu trả lời của mình. Đừng lo lắng, đối phương không thực sự đáng sợ như bạn nghĩ đâu, chỉ là họ đang cố tình tạo áp lực để thử thách khả năng ứng biến của bạn mà thôi. Hãy cứ bình tĩnh và trả lời thật tốt nhé.
3. Nhà phỏng vấn lạnh lùng

goi-ten-4-phong-cach-nha-phong-van3

Một số bạn sau khi tham gia phỏng vấn rất bối rối nói rằng mình gặp phải một người phỏng vấn chẳng hỏi gì nhiều mà cũng chẳng thể hiện cảm xúc gì cả. Nếu coi đó là một sự không may, thì chỉ là do các bạn ấy chưa biết cách ứng phó phù hợp với những nhà phỏng vấn mang phong cách lạnh lùng này thôi. Như đã nói, những nhà phỏng vấn lạnh lùng thường sẽ có thái độ khá thờ ơ với bạn, họ chỉ đưa ra các câu hỏi khái quát theo một form có sẵn và đợi chờ câu trả lời từ bạn. Điều này dễ khiến cho bạn có cảm giác lạc lõng. Cách ứng phó thông minh nhất trong trường hợp này đó là “phỏng vấn ngược” nhà tuyển dụng. Đối phương chính xác là đang đợi bạn tự thể hiện bản thân nên đừng ngần ngại hãy đặt những câu hỏi khéo léo cho họ để dẫn dắt cuộc phỏng vấn về đúng như những gì bạn mong đợi. Nếu làm được điều này, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá rất cao bạn đấy.
4. Nhà phỏng vấn điều tra

goi-ten-4-phong-cach-nha-phong-van4

Điều tra – chính là phong cách thường thấy nhất của các nhà phỏng vấn. Họ sẽ hỏi bạn hàng loạt các câu hỏi về học vấn, kinh nghiệm, mục tiêu của bạn trong tương lai. Họ sẽ xoáy sâu vào các điểm yếu của bạn và đặt ra các câu hỏi dồn dập khiến bạn bối rối. Nếu có một hồ sơ sạch và tự tin vào năng lực của mình, bạn cứ thoải mái trả lời tất cả các câu hỏi mà không cần phải lo lắng gì.
Nắm rõ những phong cách phỏng vấn thường gặp trên đây bạn sẽ không còn gì phải sợ và đã có thể chuẩn bị tư thế sẵn sàng để bước vào cuộc phỏng vấn quan trọng sắp tới rồi nhé.

Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

3 lý do tại sao không nên nói dối trong CV của bạn

23:33 0 Comments
Nhiều ứng viên không ngại nói dối nhà tuyển dụng để được một lý lịch đẹp cho bản thân khi ứng tuyển công việc. Không chỉ những ứng viên thông thường mà cả những ứng viên tài năng và trung thực nhất cũng thừa nhận có những điều không đúng sự thật trong CV của mình. Trong một số trường hợp, bạn có thể thay đổi hoặc sắp xếp lại vài điều trong lý lịch để thuận lợi cho mình hơn. Tuy nhiên, nói dối trong CV chưa bao giờ là một lựa chọn tốt vì những lý do sau đây.

3-ly-do-tai-sao-khong-nen-noi-doi-trong-CV1

1. Bạn sẽ phải lo lắng bị phát hiện
Những người sẽ phỏng vấn bạn nếu không phải là chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự thì cũng là những nhà phỏng vấn có kinh nghiệm. Họ đã tiếp xúc với hàng trăm ứng viên trước khi cầm trên tay CV của bạn nên đừng nghĩ rằng bạn có thể qua mặt được họ. Chỉ cần đọc qua CV hoặc vài câu hỏi trong vòng phỏng vấn họ cũng có thể dễ dàng phát hiện ra bạn là một ứng viên không trung thực. Hơn nữa một khi đã nói dối, bạn sẽ lo sợ bị nhà tuyển dụng phát hiện. Tâm lý này có thể ảnh hưởng tới sự thể hiện của bạn trong vòng phỏng vấn.
2. Có thể khiến bạn bị mất việc
Ngay khi nhà tuyển dụng nhận thấy bất kỳ điều gì sai sự thật dù lớn hay nhỏ trong CV , họ sẽ có ấn tượng không tốt về bạn, hoặc tệ hơn là mất niềm tin và nghi ngờ tất cả câu trả lời của bạn. Kể cả bạn có may mắn vượt qua vòng phỏng vấn, bạn có thể gặp khó khăn trong công việc vì sếp sẽ không hoàn toàn tin tưởng và trọng dụng bạn.

3-ly-do-tai-sao-khong-nen-noi-doi-trong-CV2

3. Phá hoại danh tiếng của bạn
Có thể bạn nghĩ một lời khai không đúng sự thật chẳng có gì là quan trọng nhưng nó có thể phá hỏng hình tượng mà bạn tạo dựng bấy lâu nay. Một lần mất tín vạn lần mất tin, một sự tai tiếng nhỏ cũng có thể khiến bạn mất đi danh tiếng của mình. Không hẳn lúc nào nói ra sự thật cũng là tốt, cũng có những trường hợp “nói dối” lại là lựa chọn thông minh hơn. Nhưng bạn hãy cố gắng hạn chế ít nhất có thể để không dẫn tới những kết quả xấu như trên.

Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

4 lời khuyên cho bạn khi làm việc với sếp trẻ

19:00 0 Comments
Trên lý thuyết chúng ta thường bắt đầu sự nghiệp với một công việc ở vị trí thấp và dần dần sẽ phát triển lên các cấp bậc cao hơn. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ nhỏ tuổi hơn cấp trên và lớn tuổi hơn các nhân viên cấp dưới mình. Nhưng đôi lúc mọi việc sẽ không được thuận buồn xuôi gió như vậy. Vì nhiều lý do khác nhau mà bạn phải bắt đầu lại sự nghiệp của mình một lần nữa ở vạch xuất phát. Lúc này có thể bạn sẽ phải làm việc với những cấp trên có ít kinh nghiệm hơn, thậm chí là ít tuổi hơn mình. Vậy làm thế nào để dung hòa mối quan hệ trong công việc với những vị sếp trẻ tuổi hơn mình? Sau đây là 4 lời khuyên dành cho bạn.

4-loi-khuyen-cho-ban-khi-lam-viec-voi-sep-tre1


1.        Lưu ý ngôn từ và hành động của bạn

Cho dù khoảng cách tuổi tác giữa hai người là lớn hay nhỏ thì bạn cũng đừng nên để tâm đến và cũng đừng khiến sếp của bạn phải chú tâm đến điều đó bằng cách thay đổi cách ứng xử phù hợp hơn. Tránh sử dụng những câu nói như: “Khi ở tuổi của bạn tôi đã từng…”, “Bạn sẽ hiểu những gì tôi nói khi bạn trải qua việc này…”, “Tôi đã từng làm như thế này…”…. Và cũng đừng có những hành động chỉ trích sếp của bạn khi không hài lòng trong bất cứ vấn đề nào. Có thể sếp của bạn sai, nhưng nên nhớ sếp vẫn là cấp trên của bạn.

2.        Không nên xem thường sếp

Tuyệt đối không nên tỏ thái độ xem thường sếp của mình. Có thể người sếp trẻ tuổi vẫn còn ít kinh nghiệm trong công việc nhưng anh ấy/cô ấy cũng đã phải cố gắng rất nhiều để đạt được vị trí đó, và họ vẫn cần thời gian để trau dồi thêm kỹ năng quản lý của mình. Thay vì tỏ ra xem thường, bạn hãy góp ý với sếp một cách khéo léo. Những buổi trao đổi như vậy sẽ kéo gần khoảng cách giữa hai người, cũng sẽ khiến sếp tin tưởng và trọng dụng bạn hơn.

4-loi-khuyen-cho-ban-khi-lam-viec-voi-sep-tre2


3.        Đừng cố tìm kiếm sự đối xử đặc biệt

Nếu bạn nghĩ rằng mình là người có kinh nghiệm nên phải được đối xử đặc biệt hơn, hay thăng tiến nhanh hơn,… thì bạn đã hoàn toàn sai lầm. Khi bắt đầu lại công việc, bạn sẽ đứng cùng vạch xuất phát với những đồng nghiệp của mình. Có thể họ ít kinh nghiệm hơn nhưng chưa chắc họ đã làm việc thua kém bạn. Cấp trên sẽ xem xét cơ hội cho mọi người công bằng như nhau. Vì vậy đừng cố gắng tìm kiếm bất kỳ sự đối xử đặc biệt nào.

4.        Hãy làm việc thật chăm chỉ

Lời khuyên cuối cùng dành cho bạn đó là hãy cố gắng làm việc thật tốt. Nếu tự tin với kinh nghiệm và kỹ năng của mình, bạn hãy thể hiện nó trong công việc hằng ngày. Sếp của bạn sẽ xem xét và đánh giá năng lực của bạn dựa trên cách mà bạn làm việc và kết quả công việc của bạn chứ không phải trên số năm kinh nghiệm mà bạn có trước đây. Hãy nỗ lực xứng đáng, thành công sẽ tự khắc đến với bạn.

Thứ Ba, 3 tháng 10, 2017

5 quy tắc sử dụng điện thoại di động tại nơi làm việc

03:38 0 Comments
Sự tiện dụng của điện thoại di động trong cuộc sống ngày nay là không thể phủ nhận. Với một chiếc điện thoại di động, bạn có thể giữ liên lạc với gia đình, bạn bè bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào mà bạn cần, thậm chí ở cả nơi làm việc. Tuy vậy, sử dụng điện thoại di động tại nơi làm việc có thể khiến bạn bị sao lãng khi làm việc hoặc làm phiền tới đồng nghiệp của mình. Tại nhiều văn phòng, việc sử dụng điện thoại di động được quy định rất nghiêm ngặt nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của nó tới năng suất làm việc của nhân viên. Kể cả khi văn phòng của bạn không có những quy định như vậy thì bạn cũng cần tuân theo những quy tắc sau đây để sử dụng điện thoại di động một cách văn minh nhất.

5-quy-tac-su-dung-dien-thoai-di-dong-tai-noi-lam-viec1


1.        Tắt chuông điện thoại

Chắc chắn là chẳng ai muốn bị làm phiền bởi tiếng nhạc chuông khi đang tập trung làm việc cả, vì vậy nếu bạn mang theo điện thoại của mình tới nơi làm việc, hãy tắt chuông trước khi bước vào. Trong trường hợp bạn đang đợi một cuộc điện thoại quan trọng và không muốn bị bỏ lỡ, hãy để tiếng chuông nhỏ vừa nghe, hoặc tốt hơn nên đặt điện thoại ở chế độ rung. Hơn nữa chắc bạn cũng không muốn sếp biết mình đã gọi bao nhiêu cuộc điện thoại trong giờ làm việc đâu phải không?

2.        Chỉ sử dụng điện thoại cho những cuộc gọi quan trọng

Đang trong giờ làm việc, bạn nên hạn chế thực hiện các cuộc gọi. Bạn chỉ nên gọi khi có việc thực sự quan trọng, còn lại hãy chọn nhắn tin hoặc email để trao đổi. Bởi việc nói chuyện điện thoại không những gây phiền tới đồng nghiệp xung quanh mà còn khiến cho chính bạn bị mất tập trung trong công việc.

3.        Tìm một nơi riêng tư để nói chuyện điện thoại

Tại các văn phòng thường có những không gian trống để nhân viên có thể ngồi thư giãn hoặc thực hiện các cuộc họp ngắn. Những khu vực này khá riêng tư nên bạn có thể tới đây để gọi điện thoại mà không lo làm phiền tới ai cũng như không sợ cuộc gọi của bạn bị nghe trộm. Nhưng nên nhớ là chỉ sử dụng không gian ấy trong thời gian ngắn thôi nhé.

5-quy-tac-su-dung-dien-thoai-di-dong-tai-noi-lam-viec2


4.        Không nên gọi điện thoại trong phòng vệ sinh

Nhiều người thường vào phòng vệ sinh để gọi điện thoại vì nghĩ sẽ không làm phiền ai. Tuy nhiên không gian này lại không hề riêng tư một chút nào. Bạn không thể biết rằng ai đang ở phòng kế bên và liệu người đó có được nhắc đến trong cuộc thoại của bạn hay không. Hơn nữa sẽ thật không lịch sự chút nào nếu để đầu dây bên kia nghe thấy tiếng mở cửa hay xả nước.

5.        Không mang điện thoại vào phòng họp

Trừ khi phải dùng điện thoại cho những việc liên quan đến cuộc họp như ghi chú, lấy số liệu,… bạn không nên mang điện thoại vào phòng họp. Kể cả khi bạn đã tắt chuông điện thoại, nó cũng có thể khiến bạn bị mất tập trung trong buổi họp.