Thứ Hai, 26 tháng 12, 2016

5 mẹo giúp bạn có một chiến thuật đàm phán lương hiệu quả

18:03 0 Comments
Trải qua được những câu hỏi hóc búa của nhà tuyển dụng, chỉ còn một bước quan trọng mà bạn cần phải vượt qua nữa thôi : đàm phán lương. Mức lương ảnh hưởng khá nhiều đến quyết định làm việc và tinh thần làm việc. Vậy thì làm sao để nhà tuyển dụng đồng ý với mức lương mà bạn đề nghị, chiến thuật nào sẽ hiệu quả nhất trong trường hợp này? Xem thử 5 mẹo dưới đây để xây dựng chiến thuật đàm phán lương hiệu quả đối phó với những nhà tuyển dụng khó tính nhé

5-meo-giup-ban-co-mot-chien-thuat-dam-phan-luong-hieu-qua

1. Khảo sát

Trước khi bắt đầu buổi phỏng vấn, bạn nên dành thời gian để thực hiện một cuộc khảo sát lương, nó có tác dụng như đòn bẩy trong cuộc đàm phán. Những dữ liệu cụ thể, thu thập từ những nguồn đáng tin cậy sẽ giúp ích cho bạn trong việc định giá được giá trị của bản thân đối với những trường hợp mà nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên định lượng được kĩ năng và tài năng của họ.

Bạn có thể tham khảo một số báo cáo lương tổng hợp hoàn toàn miễn phí từ các công ty dịch vụ uy tín như PayScale hay Glassdoor, báo cáo này được thu thập và tính toán dựa trên một số yếu tố như: vị trí địa lí, số năm kinh nghiệm, vị trí làm việc… Tất nhiên, những con số này chỉ mang tính chất tham khảo và giúp bạn nắm bắt được mức lương trung bình cho vị trí mà bạn đang ứng tuyển để có thể dễ dàng đưa ra sách lược phù hợp trong quá trình đàm phán lương, quan trọng vẫn là khả năng thương thuyết và đàm phán của bạn quyết định đến mức lương mà bạn sẽ nhận được trong tương lai.

2. Xác định mức lương tối thiểu mà bạn có thể chấp thuận

Chắc hẳn sau khi xem xét các báo cáo lương, bạn sẽ đưa ra được khoảng lương kì vọng của mình, tuy nhiên bạn cũng nên xác định được mức lương thấp nhất mà bạn có thể thỏa hiệp với nhà tuyển dụng. Trong trường hợp nhà tuyển dụng chỉ đồng ý chi trả cho bạn dưới mức lương tối thiểu thì bạn nên cân nhắc đến việc từ chối và tìm kiếm công ty khác, nơi có thể nhận ra được giá trị của bạn và sẵn sàng trả lương xứng đáng với năng lực của bạn. Có nhiều nhà tuyển dụng thường sử dụng chiến thuật thăm dò ứng viên về mức lương ở công ty cũ để đưa giá mức lương chính thức, họ thường trả thấp hơn hoặc bằng với mức lương này. Nếu bạn không muốn tiết lộ con số cụ thể, bạn có thể cung cấp cho họ khoảng lương bạn nhận được và đừng quên nói rằng, khoảng lương đó là tương xứng với giá trị mà bạn có thể tạo ra cho công ty.

5-meo-giup-ban-co-mot-chien-thuat-dam-phan-luong-hieu-qua-1

3. Biết được người bạn sẽ đàm phán là ai

Thực tế thì công ty trả lương cho bạn nhưng quyết định trực tiếp đến số tiền lương bạn nhận được lại là những người phỏng vấn bạn, họ là người trò chuyện với bạn suốt buổi phỏng vấn và là người đồng ý hay từ chối với mức lương mà bạn đưa ra. Bất kể người đó là chuyên viên nhân sự, chủ công ty hay sếp tương lai của bạn thì điều quan trọng bạn phải nhớ là hãy luôn cố gắng để nắm được ưu và nhược điểm của họ khi đàm phán và xây dựng được lòng tin nơi họ. Hãy đi phỏng vấn với tư thế chuẩn bị sẵn sàng và tạo được niềm tin về những cam kết giá trị mà bạn có thể mang lại cho công ty.

4. Hãy nhớ rằng đàm phán cũng giống như một bài khiêu vũ

Quá trình đàm phán cũng giống như một cuộc khiêu vũ, nơi có người dẫn dắt và người bước theo. Vấn đề của bạn là phải làm như thế nào để người tuyển dụng có thể đi theo từng điệu nhảy mà bạn vạch ra mà vẫn cảm thấy vui vẻ và thỏa mãn. Tất nhiên, bạn cũng nên linh hoạt nếu như nhà tuyển dụng quay lại với vai trò dẫn dắt. Bạn có thể cân nhắc đến một số lời đề nghị của họ trước khi quyết định từ chối mức lương thấp hơn so với dự kiến như: xét tăng lương 2 lần/năm, tài trợ $1000 để tham gia các lớp học nâng cao tay nghề, tăng số ngày nghỉ phép… Mức lương thấp nhưng có nhiều lợi ích vượt trội hoặc thăng tiến nhanh thì bạn cũng nên uyển chuyển thay đổi mục tiêu ban đầu để không bỏ lỡ những cơ hội quý giá giúp bạn có được thành công.

5. Luôn hướng tới viễn cảnh rộng lớn hơn

Bạn nên ý thức được rằng không phải lúc nào kết quả cũng như những gì bạn mong muốn, vì vậy đừng quá đặt nặng kết quả sau mỗi cuộc đàm phán lương. Dù cho bạn có thất bại trong việc đàm phán lương với nhà tuyển dụng, bạn cũng đã có thêm kinh nghiệm cho những lần phỏng vấn tiếp theo. Bằng lòng với công việc này, tuy mức lương thấp nhưng bạn cũng sẽ có cơ hội được học hỏi và phát triển bản thân, biết đâu bạn lại thấy được niềm vui và đam mê của mình ở đây, thấy những thứ bạn nhận được giá trị hơn nhiều lần so với số tiền mà bạn đã mất. Hãy luôn suy nghĩ tích cực và lạc quan về mọi thứ, rồi thành công sẽ đến với bạn sớm thôi.

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

7 mẹo giúp bạn từ nhân viên thời vụ trở thành nhân viên chính thức

18:23 0 Comments
Bạn đang nhận một công việc thời vụ cho một công ty nhưng bạn muốn trở thành nhân viên chính thức vì bạn thấy công việc phù hợp với bạn, công ty có danh tiếng và mọi người cũng tỏ ra thân thiện với bạn. Nhưng bạn loay hoay không biết nên làm như thế nào mới có cơ hội lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng, làm sao để biến công việc thời vụ thành một công việc lâu dài? Quá đơn giản, dưới đây là 7 mẹo giúp mong muốn của bạn trở thành sự thật

7-meo-giup-ban-tu-nhan-vien-thoi-vu-tro-thanh-nhan-vien-chinh-thuc

1. Xem công ty có đang tuyển dụng không

Việc bạn được nhận vào làm việc chính thức ảnh hưởng nhiều bởi nhu cầu tuyển dụng của công ty, hãy thường xuyên quan sát xem công ty nơi bạn đang làm công việc thời vụ có kế hoạch tuyển dụng nhân viên chính thức cho vị trí bạn đang làm hay những vị trí phù hợp với kinh nghiệm, kĩ năng của bạn hay không. Nếu có thì đây là thời điểm thích hợp mà bạn không nên bỏ lỡ cơ hội.
Ngoài ra, nếu như ban đầu bạn đã có mong muốn tìm kiếm một công việc ổn định, bạn cũng nên chia sẻ với người tuyển dụng. Biết đâu, họ có thể giới thiệu cho bạn một vị trí còn đang bỏ trống ở công ty.

2. Tìm hiểu thêm về cơ hội phát triển nghề nghiệp

Trong quá trình làm việc tại công ty, sẽ có người quan sát và đánh giá kết quả hoàn thành công việc của bạn, ngược lại bạn cũng có thể đánh giá tiềm năng làm chủ của họ. Hãy xem xét khả năng phát triển lâu dài của công ty và những cơ hội nghề nghiệp mà bạn nghĩ bạn có thể đạt được trong tương lai. Điều quan trọng hơn cả trước khi bạn quyết định sẽ tận dụng mọi cơ hội để được làm việc tại đây đó là bạn phải xác định rõ ràng xem bạn có yêu thích công việc và môi trường làm việc ở đây hay không vì chỉ khi nào bạn cảm thấy đam mê với công việc, bạn mới có thể gắn bó lâu dài.

3. Xây dựng mối quan hệ

Mạng lưới quan hệ là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến khả năng bạn có được làm việc ở đây hay không. Cho dù bạn có đang làm một công việc thời vụ thì bạn cũng nên tỏ ra thân thiện và hòa đồng với tất cả mọi người, cố gắng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với những nhân viên đang làm việc tại đây, đặc biệt là người trực tiếp quản lý bạn. Khi mọi người đều quen biết và có thiện cảm với bạn, họ sẽ có những nhận xét tích cực về bạn với người lãnh đạo, gợi ý rằng bạn là người thích hợp cho vị trí còn đang bỏ trống, bạn có thể đem lại lợi ích cho công ty. Đôi khi không cần bạn mở lời, nhà tuyển dụng sẽ đề nghị bạn làm việc lâu dài tại công ty.

7-meo-giup-ban-tu-nhan-vien-thoi-vu-tro-thanh-nhan-vien-chinh-thuc-1

4. Thể hiện thái độ và tinh thần làm việc tích cực

Nhiều người thường tỏ ra xao nhãng hoặc làm việc qua loa vì nghĩ rằng công việc thời vụ không quan trọng, tuy nhiên để có được cơ hội trở thành nhân viên chính thức, bạn nên hết lòng với công việc của mình. Dù là việc nhỏ, bạn cũng nên thể hiện thái độ vui vẻ, cầu tiến và luôn cố gắng để hoàn thành công việc. Bạn nên chú trọng vào các chi tiết và linh hoạt ứng biến trước những tình huống phát sinh. Đừng đùn đẩy công việc của mình cho người khác, nên nhớ, sau lưng bạn luôn có một đôi mắt dõi theo, tất cả những nỗ lực hay sự lười biếng của bạn đều được ghi nhận hết đấy.

5. Chứng minh khả năng lãnh đạo

Là một nhân viên thời vụ không có nghĩa bạn chỉ ngồi một chỗ và không có ý kiến hay bàng quan với các công việc của nhóm. Hãy mạnh dạn bày tỏ ý kiến hay xung phong đảm nhiệm trọng trách dẫn đầu, việc làm này sẽ giúp bạn ghi điểm với người giám sát. Đừng tỏ ra tự cao hay ra lệnh cho người khác, người có khả năng lãnh đạo là người dẫn dắt nhóm làm việc với hiệu suất và hiệu quả cao, là người có thể kết hợp được ý kiến của mọi người thành một ý tưởng chung và là người luôn giúp đỡ mọi người để cùng nhau phát triển. Công ty rất cần những người có khả năng lãnh đạo, hãy chứng tỏ rằng bạn sẽ đem lại được giá trị cho công ty.

6. Khiến mọi người tin tưởng

Không có gì tệ hơn khi bạn nghỉ làm hoặc đến muộn mà không báo trước một tiếng và để cho sếp lãng phí thời gian chờ đợi bạn. Hãy làm việc một cách chuyên nghiệp, hạn chế nghỉ nếu như không có việc gì quá quan trọng, điều này khiến sếp bạn nghĩ rằng bạn là một ứng cử viên tuyệt vời cho công việc toàn thời gian.

7. Nỗ lực hơn 100%

Nếu như người khác chỉ tạo ra đúng với kết quả mà sếp bạn mong đợi thì bạn phải nỗ lực hơn 100% khả năng để tạo ra những kết quả đột phá hơn nữa. Chẳng những cần phải chứng minh được năng lực làm việc, bạn cũng phải làm việc với thái độ như đang là một nhân viên chính thức. Nhà tuyển dụng sẽ cảm nhận được sự nhiệt tình, hết mình trong công việc của bạn, cảm thấy bạn muốn gắn kết với công ty, sẵn sàng làm việc cùng công ty và có thể tạo ra những giá trị xa hơn mong đợi.

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

4 biểu hiện của những người luôn thất bại

22:18 0 Comments
Bên cạnh những người thành công, được tán dương trên mạng xã hội thì cũng không thiếu những người luôn tự ti vào bản thân, chây ì với bản ngã lười biếng của chính mình. Nếu như những người thành công thường có những điểm chung nào đó về sở thích, thói quen thì ta cũng dễ dàng nhận biết được những người thất bại, người thường tìm cách thoái thác trách nhiệm, mỗi lúc thất bại lại than thân, trách phận qua những phản ứng thường thấy sau đây

4-bieu-hien-cua-nhung-nguoi-luon-that-bai

1. Không ngừng so sánh với người khác

Những người thất bại luôn lấy kết quả của người khác để so sánh với kết quả mà mình làm ra, không phải để có động lực cố gắng mà để có lí do vịn vào mỗi khi phạm sai lầm. Không bao giờ muốn nhận mình thất bại, câu cửa miệng của họ là “Ít ra thất bại của tôi cũng đỡ hơn thằng X, con Y” hoặc ngược lại, luôn phóng đại những điều tồi tệ mình gặp phải để biến mình thành một kẻ đáng thương, cần được chia sẻ.

2. Hay bào chữa

Đặc điểm nhận dạng thứ hai của những tuýp người khó thành công là họ luôn chuẩn bị sẵn những lí do để hợp lý hóa cho việc không thể vượt qua khó khăn hay những sai lầm trong quá khứ. “Bởi vì, tại, do..” là những từ mở đầu cho câu giải thích dài dòng của họ. Họ cho rằng mọi thất bại họ tạo ra đều vì một nguyên nhân khách quan nào đó không phải họ, chắc chắn rồi. Vốn dĩ người ta rất tinh vi trong việc bới móc khuyết điểm của người khác nhưng nhìn ra hạn chế  của bản thân mình thì rất ít người làm được. Chính điều đó khiến họ khó chấp nhận lời góp ý từ người khác để thay đổi và phát triển bản thân.

3. Tự cô lập chính mình

Nếu như những người thành công thường cởi mở và có mối quan hệ rộng rãi thì những người hay thất bại thường chọn cách sống lặng lẽ, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh. Họ không muốn cuộc sống của mình bị làm phiền hay bị liên lụy bởi những mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp, họ tự tách mình ra khỏi đám đông. Họ không biết là họ đã bỏ lỡ những cơ hội vàng từ việc xây dựng mạng lưới quan hệ mà chấp nhận bằng lòng với thực tại dù có thất bại, miễn là tránh được rủi ro.

4. Tiếc nuối quá khứ

Những người chỉ chăm chăm nhìn về quá khứ rồi suốt ngày buồn bã sẽ chẳng thể mở rộng được tầm nhìn và không nắm bắt được những cơ hội trước mắt. Thay vì tiếc nuối vì những điều cũ kỹ, có lẽ họ nên rút ra bài học kinh nghiệm và lấy nó làm động lực để trau dồi thêm những kiến thức, kỹ năng giúp phát triển nghề nghiệp.

Nói tóm lại, ai cũng có những thất bại trong đời nhưng nếu cuộc đời bạn cứ hết lần này đến lần khác phạm phải lỗi lầm, không tiến thêm được nấc thang nào trên con đường sự nghiệp thì bạn sẽ bị người khác đè trên vai, trở thành công cụ kiếm tiền cho người khác, suốt đời cũng chỉ làm “tay sai” cho các sếp. Hãy nhớ, số phận của bạn là do bạn quyết định, nếu như bạn không cố gắng thì đừng nghĩ đến chuyện người khác cố gắng thay bạn. (À mà có thể đấy, người ta sẽ “cố gắng” tận hưởng thành công thay bạn.)

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

Làm sao để có một bức thư xin nghỉ việc đúng chuẩn?

18:13 0 Comments
Bạn quyết định nghỉ việc và tìm việc làm ở môi trường mới. Bạn đã ký vào thư chấp nhận vào làm tại công ty mới. Và bây giờ bạn phải thông báo về việc bạn sẽ nghỉ việc tại công ty hiện tại (dù bạn có thể đã trao đổi sơ bộ với sếp trực tiếp của bạn trước đó).

lam-sao-de-co-mot-buc-thu-xin-nghi-viec-dung-chuan

Việc bạn cần làm là viết thư xin nghỉ việc chính thức và gửi công ty/phòng nhân sự, và bức thư này sẽ quyết định không khí làm việc của bạn trong những ngày trước khi nghỉ và giữ được mối quan hệ tốt với công ty.

Dưới đây là các bước viết thư xin nghỉ việc:

Phần 1: Thông báo nghỉ việc

Bạn không cần phải nói nhiều lời hoa mỹ hoặc phải viết thật sáng tạo. Bạn chỉ cần nói vị trí của mình và ngày chính thức bạn sẽ nghỉ. Có thể bạn đã chia sẻ với sếp về lý do bạn nghỉ việc nên bạn không cần miêu tả ở đây – bạn chỉ cần viết đơn giản ngắn gọn.

Kính gửi [tên sếp bạn],

Tôi xin gửi thư đính kèm như là thông báo chính thức về việc tôi sẽ nghỉ việc tại công ty với vị trí [chức danh]. Ngày làm việc cuối cùng của tôi là [xxx].

Phần 2: Gửi lời cảm ơn

Tiếp theo, hãy luôn nhớ cảm ơn công ty bạn vì đã tạo cơ hội cho bạn làm việc và miêu tả những công việc bạn đã từng được giao phó và rất thích vì đã được làm. Tất nhiên trong công việc bạn đã có những giây phút vui vẻ và những dự án thú vị, do đó bạn nên đề cập ngay cả khi bạn nghỉ việc. Hãy nhớ rằng những người đọc được thư này của bạn sẽ là những người có thể là người viết thư giới thiệu cho bạn, cho nên tạo ấn tượng tốt với họ luôn là điều nên làm.

Tôi xin cảm ơn công ty đã cho tôi cơ hội làm việc trong khoảng thời gian [số năm / tháng bạn đã làm]. Tôi rất yêu thích công việc và những cơ hội đã được công ty tin tưởng giao phó. Tôi đã học được nhiều điều bổ ích trong công việc như [xxx], và những kinh nghiệm này sẽ theo tôi trong suốt hành trình nghề nghiệp của mình.

Phần 3: Chuyển giao công việc

Cuối cùng, bạn nên nêu rõ về việc bạn sẽ sẵn lòng hỗ trợ công ty trong giai đoạn chuyển giao công việc. Bạn không cần nói quá chi tiết và dĩ nhiên không nên hứa những gì mà bạn không thể thực hiện được. Bạn có thể đảm bảo rằng bạn sẽ bàn giao công việc suôn sẻ và bạn sẽ làm việc đến tận ngày cuối cùng.

Trong tháng cuối cùng làm việc tại công ty, tôi sẽ cố gắng hoàn thành các công việc còn dang dở và hướng dẫn / bàn giao công việc cho các đồng nghiệp. Xin vui lòng thông báo cho tôi biết nếu tôi có thể giúp gì cho công ty trong thời gian chuyển giao này.
Tôi chúc công ty luôn thành công, và tôi hy vọng sẽ vẫn giữ liên lạc với công ty trong tương lai.

Trân trọng,

[Họ & tên bạn]

Tất nhiên bạn có thể điều chỉnh tùy theo kinh nghiệm của bạn và văn hóa công ty, sau đó nộp theo quy trình mà công ty yêu cầu.

Thư nghỉ việc này của bạn sẽ chỉ có thể được Bộ phận Nhân sự lưu lại, nhưng ít nhất bạn có thể chắc được hai điều: Một là, sếp của bạn (sẽ có thể là người giới thiệu cho bạn sau này) sẽ đọc bức thư và có ấn tượng tốt. Hai là, nếu sau này bạn có quay lại công ty làm (việc này khá phổ biến gần đây) thì khi Bộ phận Nhân sự tra lại hồ sơ thì bạn cũng đã có một bức thư xin việc thật chuyên nghiệp.

Chúc bạn nghỉ việc suôn sẻ!

Nguồn: The Muse