Thứ Hai, 26 tháng 12, 2016

# Góc tìm việc làm

5 mẹo giúp bạn có một chiến thuật đàm phán lương hiệu quả

Trải qua được những câu hỏi hóc búa của nhà tuyển dụng, chỉ còn một bước quan trọng mà bạn cần phải vượt qua nữa thôi : đàm phán lương. Mức lương ảnh hưởng khá nhiều đến quyết định làm việc và tinh thần làm việc. Vậy thì làm sao để nhà tuyển dụng đồng ý với mức lương mà bạn đề nghị, chiến thuật nào sẽ hiệu quả nhất trong trường hợp này? Xem thử 5 mẹo dưới đây để xây dựng chiến thuật đàm phán lương hiệu quả đối phó với những nhà tuyển dụng khó tính nhé

5-meo-giup-ban-co-mot-chien-thuat-dam-phan-luong-hieu-qua

1. Khảo sát

Trước khi bắt đầu buổi phỏng vấn, bạn nên dành thời gian để thực hiện một cuộc khảo sát lương, nó có tác dụng như đòn bẩy trong cuộc đàm phán. Những dữ liệu cụ thể, thu thập từ những nguồn đáng tin cậy sẽ giúp ích cho bạn trong việc định giá được giá trị của bản thân đối với những trường hợp mà nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên định lượng được kĩ năng và tài năng của họ.

Bạn có thể tham khảo một số báo cáo lương tổng hợp hoàn toàn miễn phí từ các công ty dịch vụ uy tín như PayScale hay Glassdoor, báo cáo này được thu thập và tính toán dựa trên một số yếu tố như: vị trí địa lí, số năm kinh nghiệm, vị trí làm việc… Tất nhiên, những con số này chỉ mang tính chất tham khảo và giúp bạn nắm bắt được mức lương trung bình cho vị trí mà bạn đang ứng tuyển để có thể dễ dàng đưa ra sách lược phù hợp trong quá trình đàm phán lương, quan trọng vẫn là khả năng thương thuyết và đàm phán của bạn quyết định đến mức lương mà bạn sẽ nhận được trong tương lai.

2. Xác định mức lương tối thiểu mà bạn có thể chấp thuận

Chắc hẳn sau khi xem xét các báo cáo lương, bạn sẽ đưa ra được khoảng lương kì vọng của mình, tuy nhiên bạn cũng nên xác định được mức lương thấp nhất mà bạn có thể thỏa hiệp với nhà tuyển dụng. Trong trường hợp nhà tuyển dụng chỉ đồng ý chi trả cho bạn dưới mức lương tối thiểu thì bạn nên cân nhắc đến việc từ chối và tìm kiếm công ty khác, nơi có thể nhận ra được giá trị của bạn và sẵn sàng trả lương xứng đáng với năng lực của bạn. Có nhiều nhà tuyển dụng thường sử dụng chiến thuật thăm dò ứng viên về mức lương ở công ty cũ để đưa giá mức lương chính thức, họ thường trả thấp hơn hoặc bằng với mức lương này. Nếu bạn không muốn tiết lộ con số cụ thể, bạn có thể cung cấp cho họ khoảng lương bạn nhận được và đừng quên nói rằng, khoảng lương đó là tương xứng với giá trị mà bạn có thể tạo ra cho công ty.

5-meo-giup-ban-co-mot-chien-thuat-dam-phan-luong-hieu-qua-1

3. Biết được người bạn sẽ đàm phán là ai

Thực tế thì công ty trả lương cho bạn nhưng quyết định trực tiếp đến số tiền lương bạn nhận được lại là những người phỏng vấn bạn, họ là người trò chuyện với bạn suốt buổi phỏng vấn và là người đồng ý hay từ chối với mức lương mà bạn đưa ra. Bất kể người đó là chuyên viên nhân sự, chủ công ty hay sếp tương lai của bạn thì điều quan trọng bạn phải nhớ là hãy luôn cố gắng để nắm được ưu và nhược điểm của họ khi đàm phán và xây dựng được lòng tin nơi họ. Hãy đi phỏng vấn với tư thế chuẩn bị sẵn sàng và tạo được niềm tin về những cam kết giá trị mà bạn có thể mang lại cho công ty.

4. Hãy nhớ rằng đàm phán cũng giống như một bài khiêu vũ

Quá trình đàm phán cũng giống như một cuộc khiêu vũ, nơi có người dẫn dắt và người bước theo. Vấn đề của bạn là phải làm như thế nào để người tuyển dụng có thể đi theo từng điệu nhảy mà bạn vạch ra mà vẫn cảm thấy vui vẻ và thỏa mãn. Tất nhiên, bạn cũng nên linh hoạt nếu như nhà tuyển dụng quay lại với vai trò dẫn dắt. Bạn có thể cân nhắc đến một số lời đề nghị của họ trước khi quyết định từ chối mức lương thấp hơn so với dự kiến như: xét tăng lương 2 lần/năm, tài trợ $1000 để tham gia các lớp học nâng cao tay nghề, tăng số ngày nghỉ phép… Mức lương thấp nhưng có nhiều lợi ích vượt trội hoặc thăng tiến nhanh thì bạn cũng nên uyển chuyển thay đổi mục tiêu ban đầu để không bỏ lỡ những cơ hội quý giá giúp bạn có được thành công.

5. Luôn hướng tới viễn cảnh rộng lớn hơn

Bạn nên ý thức được rằng không phải lúc nào kết quả cũng như những gì bạn mong muốn, vì vậy đừng quá đặt nặng kết quả sau mỗi cuộc đàm phán lương. Dù cho bạn có thất bại trong việc đàm phán lương với nhà tuyển dụng, bạn cũng đã có thêm kinh nghiệm cho những lần phỏng vấn tiếp theo. Bằng lòng với công việc này, tuy mức lương thấp nhưng bạn cũng sẽ có cơ hội được học hỏi và phát triển bản thân, biết đâu bạn lại thấy được niềm vui và đam mê của mình ở đây, thấy những thứ bạn nhận được giá trị hơn nhiều lần so với số tiền mà bạn đã mất. Hãy luôn suy nghĩ tích cực và lạc quan về mọi thứ, rồi thành công sẽ đến với bạn sớm thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét