Trong CV tìm việc làm gửi đến nhà tuyển dụng, bạn có thể thêm hoặc không thêm sở thích vì so với yếu tố kinh nghiệm và kĩ năng thì sở thích chỉ là yếu tộ nhỏ ảnh hưởng đến quyết định của nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, nếu đã cất công điền sở thích trong CV thì bạn cũng nên đầu tư và lựa chọn những sở thích được nhà tuyển dụng quan tâm và đánh giá cao, giúp bạn ghi điểm.
Hãy cùng điểm qua những sở thích vừa mang lại lợi ích cho bản thân vừa giúp bạn tăng cơ hội thành công nhé.
1. Sở thích liên quan đến sáng tạo
Những khoảng thời gian mà bạn dành cho hội họa, nhiếp ảnh hay những món đồ handmade không chỉ để thỏa mãn niềm đam mê của bạn nữa mà đó còn là những sở thích có thể giúp ích cho công việc của bạn. Nếu bạn ứng tuyển vào những ngành như Marketing, Quảng cáo, những ngành đòi hỏi sự sáng tạo cũng như cặp mắt thẩm mỹ thì việc bạn có sẵn năng khiếu và đầu tư nghiêm túc cho những kỹ năng bổ trợ cho công việc thực sự rất có lợi, nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy tin tưởng và muốn trao cho bạn cơ hội được thử thách so với những ứng viên chỉ có kinh nghiệm làm việc theo thói quen mà thiếu đi những kỹ năng thiết yếu khác.
2. Các môn thể thao đồng đội
Làm việc nhóm là một điều không thể thiếu khi bạn chấp nhận làm việc trong một tổ chức, tuy nhiên sự thật thì không phải ai cũng có thể hòa hợp với những người khác để hướng tới mục tiêu của tổ chức. Nhà tuyển dụng sẽ dựa vào những sở thích của bạn để đánh giá bạn là người chỉ làm việc vì cá nhân hay có thể dung hòa cái tôi để hòa nhập với những người đồng nghiệp khác. Những môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ.. cần sự phối hợp cũng như tinh thần đồng đội cao sẽ chứng tỏ bạn là một người hòa đồng, có khả năng làm việc nhóm. Khi ứng tuyển vào những công việc đòi hỏi tính đồng đội, đừng quên thêm vào những sở thích có lợi này nhé.
3. Đọc sách, du lịch
Những người thích đọc sách, khám phá hay đi du lịch thường là những người thích tìm tòi và tìm hiểu về những tri thức mới, sở thích này cũng chứng tỏ bạn là một người có tinh thần cầu tiến và tư tưởng đổi mới. Tuy nhiên, một lưu ý cho bạn là đối với sở thích đọc sách nếu như bạn không có thói quen này thì bạn không nên nói dối bằng cách đưa vào CV vì nhà tuyển dụng sẽ có xu hướng hỏi thêm về những thể loại bạn thích đọc, kể tên một vài cuốn sách mà bạn thích nhất. Việc không đọc sách hoặc chỉ đọc những thể loại như truyện tranh, ngôn tình sẽ khiến bạn rơi vào tình huống khó xử khi đối mặt với những câu hỏi của nhà tuyển dụng.
4. Chơi những game mang tính chiến thuật, trí tuệ
Chưa hẳn những người mê game đã là những người vô dụng, lãng phí thời gian một cách vô ích. Có rất nhiều thiên tài có sở thích này và họ cũng thành công trong việc xây dựng, phát triển những trò chơi của chính mình. Đừng ngại chia sẻ với nhà tuyển dụng những trò chơi đòi hỏi trí tuệ, cần sử dụng chiến thuật và thậm chí là những thành tích mà bạn đạt được. Mỗi người có một sở trường khác nhau, việc vượt qua được những trò chơi đầy thách thức như vậy cũng chứng tỏ sự thông minh và khả năng tư duy, giải quyết vấn đề của bạn. Tuy nhiên, đừng nên kể lể quá nhiều vì nhà tuyển dụng dễ hiểu lầm bạn là người nghiện game và không chú tâm vào công việc.
5. Các hoạt động thiện nguyện
Liệt kê những tổ chức và hoạt động mà bạn đã tham gia với tư cách tình nguyện viên vào CV sẽ giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng. Sở thích này minh chứng cho tinh thần cống hiến mà bạn sẵn sàng đóng góp cho công ty và khả năng giao tiếp tốt, kết nối với mọi người xung quanh.
6. Các môn cần sự mạo hiểm và khả năng chịu đựng
Leo núi, đạp xe, bơi lội hay lái xe địa hình là những môn đòi hỏi sự kiên trì, khả năng chấp nhận mạo hiểm và sự kiên trì bền bỉ. Nếu sở thích của bạn cũng liên quan đến những môn thể thao như thế thì bạn cũng sẽ có một khả năng chịu đựng được áp lực công việc, không dừng công việc giừa chừng và kiên trì để hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được giao. Còn chần chừ gì nữa mà không ghi ngay vào CV những sở thích tuyệt vời của bạn để ghi dấu ấn với nhà tuyển dụng, biết đâu trong tương lai, họ lại là những người đồng đội cùng bạn chinh phục những môn thể thao khó nhằn ấy.
Nếu như bạn có những sở thích liên quan đến những khía cạnh trên thì hãy nên đưa vào CV để làm nổi bật bản thân hơn, tuy nhiên, nếu như bạn có những sở thích khác không liên quan thì cũng đừng nên bịa đặt vì sớm hay muộn, thông qua quá trình giao tiếp, nhà tuyển dụng cũng sẽ phát hiện ra những “mánh khóe” mà bạn đã dùng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét