Có nhiều lí do khách quan khiến nhân sự nhảy việc như tình hình tài chính công ty bất ổn, thay đổi cơ cấu nhân sự, bên cạnh đó là một số lí do chủ quan khác như bị đồng nghiệp nói xấu, bị sếp mắng dẫn đến tự ái, không phù hợp với công việc…Tuy nhiên, nhảy việc ẩn chứa rất nhiều rủi ro nên theo như chuyên gia nhân sự của Forbes - Tayo Rockson, bạn chỉ nên nghĩ đến nhảy việc khi gặp phải 4 tình huống sau đây:
1. Không thể hòa nhập
Một môi trường làm việc có nhiều người với rất nhiều tính cách đa dạng là sự lựa chọn mà nhiều bạn trẻ đang theo đuổi, ở nơi đó họ có thể hòa nhập và thích nghi một cách nhanh chóng. Và thực tế là có đến 57% người trẻ mong muốn công ty mình đưa ra nhiều chính sách để đa dạng nhân sự, điều đó chứng tỏ việc giúp nhân viên hòa nhập với đồng nghiệp, với công việc mới vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Bạn cũng không nên phải cố gắng thay đổi mình để trở thành một phần của thứ không thuộc về bạn, hãy tìm một môi trường nơi mọi người có thể chấp nhận con người thật của bạn, có như vậy thì bạn mới thể hiện được năng lực và tính cách mà không sợ bị soi mói. Ngoài ra, những môi trường thiếu sự đa dạng nhân sự cũng là nguyên nhân gây căng thẳng và giảm hiệu quả công việc khi hợp tác làm việc nhóm.
2. Không được coi trọng
Được coi trọng là điều mà chỉ có 29% nhân sự trẻ cảm nhận được theo như thống kê của Bộ Lao động Hoa Kỳ, con số này khá tương xứng với việc những người trẻ thường được thay thế và chưa có vị thế vững chắc trong công việc. Tưởng chừng như đây là một chuyện hết sức hiển nhiên nhưng nếu như không được coi trọng thì những đóng góp, nỗ lực mà bạn bỏ ra chưa chắc đã được ghi nhận xứng đáng, bạn nên cân nhắc đến chuyện nhảy việc sang một công ty tốt hơn. Khi những tiếng nói, ý kiến của bạn thường xuyên bị phớt lờ hoặc bạn e dè, không dám bộc lộ chính kiển, đó chính là biểu hiện cho những tháng ngày làm việc tồi tệ tiếp theo. Hãy chủ động tìm kiếm một môi trường nơi quan điểm luôn được đón nhận để gắn bó và theo đuổi thành công.
3. Không có cơ hội phát triển
Không ai mong muốn ở mãi một vị trí trong suốt cuộc đời sự nghiệp, thăng tiến là nhu cầu tất yếu của tất cả mọi người. Một công việc không thể đem lại sự thăng tiến, sếp không hướng dẫn mà luôn giám sát nhân viên, không tạo điều kiện để nhân viên phát huy năng lực và cũng không thể tạo động lực cho nhân viên thì quả thật là một người sếp tồi. Gặp phải sếp tồi không phải lỗi của bạn, nhưng nếu ở lại thì đúng là như vậy.
4. Cần công việc khác linh hoạt, thoải mái hơn
Theo một khảo sát gần đây, hều hết các nhân viên đều có xu hướng ưa chuộng những công việc có thời gian làm việc linh hoạt và tự do về nơi làm việc dù có phải nhận được ít tiền thưởng hơn. Cảm giác thoải mái và tự chủ trong công việc đem lại nhiều năng lượng và hứng khởi cho nhân viên, họ không thích bị gò bó trong một môi trường làm việc cố định 8 tiếng mỗi ngày. So với những nhân sự trung niên, nhân sự trẻ thường có nhu cầu cao về du lịch, thời gian dành cho bạn bè, người thân…nên thật khó để thấy họ làm việc lâu dài trong những môi trường kém năng động, linh hoạt. Rigor, một startup ở Atlanta, Mỹ, đã giành giải thưởng Nơi làm việc lý tưởng nhất bang này nhờ chính sách "làm việc ở bất cứ đâu và vào bất kì lúc nào". Nếu bạn cũng bị thu hút bởi những môi trường làm việc mở, bạn nên bắt tay ngay vào việc lên kế hoạch cho hành trình nhảy việc sắp tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét