Thứ Hai, 13 tháng 3, 2017

# Góc kỹ năng

THỐNG LĨNH THỊ TRƯỜNG VỚI SỰ HỖ TRỢ CỦA 7 QUY TẮC TIẾP THỊ


1. Thay vì cố gắng làm tốt hơn hãy làm người tiên phong!

Sự xuất hiện đầu tiên của một lĩnh vực mới từ bất kỳ công ty nào cũng để lại ấn tượng mạnh và lâu dài qua nhiều thế hệ. Có thể lấy ví dụ, từ năm 2001, Knorr tiên phong vào thị trường Việt Nam dòng sản phẩm Hạt nêm Knorr. Báo cáo mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho rằng dù các nhóm hàng khác trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) có xu hướng giảm, song thị trường hạt nêm vẫn không giảm. Cả ba “ông lớn” là Aji-Ngon, Knorr và Maggi đang chiếm hơn 90% doanh thu của lĩnh vực này. Không công bố thị phần cụ thể, theo nghiên cứu của Nielsen, hiện tại Aji-Ngon đang dẫn đầu nhưng khoảng cách với đối thủ thứ hai Knorr không quá lớn. Và cho đến nay, không ít các bà nội trợ chúng ta vẫn quen gọi là “Knorr” thay vì “Hạt nêm” mặc dù chọn mua các nhãn hàng đối thủ cạnh tranh.
Rõ ràng, ấn tượng đầu tiên kéo dài lâu hơn bạn nghĩ.

2. Nếu không thể tiên phong, hãy mạnh dạng tạo ra một lĩnh vực mới!

Trong một lĩnh vực kinh doanh mới, chỉ có một công ty đi đầu, và sau đó là vô số những công ty mô phỏng theo. Trong phân khúc máy tính cá nhân, thị phần ở Hoa Kỳ, với HP (28,1%) và Dell (23,9%). Trong ngành công nghiệp ô tô, với GM (17,4%) và Ford (15,3%).


Để có thể dẫn đầu hoặc vị trí thứ hai, các công ty khác sẽ phải làm gì? Liệu có cơ hội cho họ không? Câu trả lời sẽ là “Có”, nếu bạn có thể tạo ra một lĩnh vực hoàn toàn mới lạ, hoặc mở ra một phân khúc mới.

Lấy ví dụ từ ông lớn Apple, do sinh sau đẻ muộn nên khả năng có thể thâm nhập vào thị trường máy tính xách tay toàn cầu là điều rất khó khi mà thị phần các đối thủ mạnh nắm giữ khá cao như HP (20,7%) và Dell (20%). Chính vì vậy, vào năm 2012, hãng đã táo bạo tạo ra một loại máy tính xách tay chuyên dụng hoàn toàn mới: máy tính bảng Ipad (phiên bản lớn của chiếc di động Iphone đình đám ra mắt trước đó). Ngày nay, các hãng máy tính khác cũng đua nhau cho ra những chiếc máy tính bảng với nhiều tính năng nổi bậc. Song, Apple vẫn dẫn đầu trên toàn cầu trong phân khúc máy tính bảng với 29,6% thị phần.

3. Tận dụng tối đa các công cụ truyền thông.

Bốn công cụ chính không thể thiếu là: Website, SEO, Email marketing và Mạng xã hội.

Trên thực tế, 89% người tiêu dùng đã tìm hiểu thông tin trên internet trước khi đến mua sắm tại các cửa hàng (số liệu Google-2010). Dự đoán, doanh số bán hàng nhờ tác động của thông tin trực tuyến sẽ tăng lên 1.000 tỷ đô la vào năm 2012 (Jupiter Research). Tận dụng thói quen tra cứu internet trước khi mua sắm, các nhà tiếp thị cần đánh mạnh vào quá trình quyết định mua của khách hàng.

4. Sản phẩm à? Không! Nhận thức mới quan trọng hơn.

Cải thiện những sản phẩm đã có mặt trên thị trường bằng cách tạo ra những sản phẩm mới cùng loại nhưng tốt hơn là điều mà người tiêu dùng cũng như nhà sản xuất đều mong muốn. Nên đã có rất nhiều công ty mới khởi nghiệp tung hô rằng sản phẩm của họ có những tính năng đặc biệt hơn những người dẫn đầu xu hướng. Nhưng sự thật không phải vậy, và những công ty này sau đó thường biến mất.



Dù sản phẩm của bạn có ngày càng tốt hơn, người tiêu dùng có lẽ cũng không để ý hay bị thuyết phục. Thẳng thắn mà nói, nếu bạn không phải người tiên phong, bạn sẽ không có nhiều dấu ấn trong tâm trí khách hàng. Như hãng Coke ra đời nước ngọt có ga Coca-Cola vào năm 1892. Sau 124 năm, vô số các thương hiệu đối thủ đã xuất hiện và biến mất, chỉ có ông lớn Pepsi (thành lập năm 1898, tức 6 năm sau Coke) vẫn duy trì là một đối thủ thực sự nặng ký. Tính đến năm 2015, tại Hoa Kỳ, thị phần của Coke chiếm 42,7% vẫn cao hơn hơn Pepsi (31,1%) là 11,6%. Sự khác biệt sáu năm đã tạo ra một lợi thế cạnh tranh đáng gờm, dù cho trên các mặt trận thử nghiệm về hương vị, Pepsi luôn là người thắng cuộc. Nhưng thực tế cho thấy, Pepsi vẫn không thể chiếm nhiều thị phần hơn Coke.

Tuy nhiên, khi hiểu được quy luật về nhận thức, bạn vẫn có thể hoạt động hiệu quả và sinh lời ngay cả khi bạn không phải là người đi đầu. Quay trở lại với Apple, dù cho hãng này không tiên phong trong các mảng máy tính cá nhân, máy nghe nhạc, hay điện thoại, nhưng trong mỗi phân khúc sản phẩm, hãng đều đã tạo ra một cuộc cách mạng về số lượng sản phẩm bán ra cũng như danh tiếng công ty.

5. Sở hữu ngôn từ chính là sở hữu cảm nhận!

Khi bạn sở hữu khẩu hiệu hoặc một đoạn nhạc nào đó, bạn sẽ sở hữu cả một căn nhà trong tâm trí khách hàng. Đó là cảm giác được ủng hộ vô giá.


Khẩu hiệu “Just do it” của Nike từ năm 1988 là một ví dụ tuyệt vời về thương hiệu sở hữu cảm nhận. Ngày nay, việc sở hữu một đôi giày Nike đã không còn đơn giản là một sản phẩm bảo vệ đôi chân khi chơi thể thao mà nó còn thể hiện đẳng cấp thời trang cho các tính đồ từ thể thao cho đến phá cách (một chiếc đầm xòe hay ôm vẫn có thể phối hợp tuyệt vời với đôi “Roshe Run” từ Nike).
Chẳng có gì ngạc nhiên khi Nike (27,2%) đã vượt lên đối thủ kỳ cựu để dẫn đầu thị trường giày thể thao là Adidas (8,7%) không lâu sau đó tại thị phần Hoa Kỳ.
Ở Việt Nam, năm 2016 là một năm thắng lợi của Điện Máy Xanh, một cái tên mà hầu hết người tiêu dùng nhớ đến đầu tiên trong phân khúc điện tử gia dụng. Mặc cho các ông lớn như Thiên Hòa, Nguyễn Kim, Chợ Lớn đã ra đời từ lâu và được tin dùng. Các ca từ “Bạn muốn mua … đến Điện Máy Xanh” cứ nhan nhản khắp nơi tạo một cơn sốt bùng nổ.

6. Hãy tập trung cạnh tranh sản phẩm chủ chốt!

Áp dụng năm quy tắc trên có thể giúp bạn thành công. Tuy nhiên, quy tắc thứ sáu này mới là quy tắc thiết yếu giúp bạn dẫn đầu.

Khi các công ty đã thành công ở mức độ nhất định thì họ sẽ nghĩ đến phát triển thêm thương hiệu và mở rộng các dòng sản phẩm khác nhau. Có thể trong thời gian ngắn nó sẽ hiệu quả và làm lợi nhuận công ty tăng vọt. Nhưng vấn đề nảy sinh ở đây là khi công ty đặt tên cho các sản phẩm, dịch vụ, hay ý tưởng dưới cùng một tên thương hiệu thì người tiêu dùng sẽ dễ nhầm lẫn và thương hiệu mất giá trị. Chính vì vậy, bạn nên tạo ra tên thương hiệu riêng cho sản phẩm.
Tập đoàn Charles & Keith thành lập vào năm 1996, cung cấp 2 dòng sản phẩm chính. Trong đó Charles & Keith là dòng sản phẩm phổ thông dành cho khách hàng trẻ tuổi với mức tiêu dùng bình dân. Còn lại là dòng sản phẩm cao cấp Charles & Keith Signature, hiện nay được đổi tên thành Charles & Keith Collection. Đến 2005, tập đoàn này cho ra mắt nhãn hiệu Pedro chuyên phục vụ độ tuổi trung niên và đặc biệt phục vụ cho cả nam giới.

7. Không cho phép mình đánh mất khách hàng dù chỉ là một người.

Trên thực tế, có ba và chỉ có ba bên liên quan trong bất kỳ công ty nào, đó là các nhà đầu tư, nhân viên và khách hàng. Các nhà đầu tư cho nhân viên tiền để làm và bán sản phẩm cho khách hàng. Nếu không có khách hàng, nhân viên bị mất việc làm, và nhà đầu tư mất đi tiền của họ. Điều đó có nghĩa là, không có khách hàng thì sẽ không có sự tồn tại của công ty.
Chính vì vậy, giành lấy chiến thắng và giữ chân khách hàng là mục đích duy nhất của bất kỳ doanh nghiệp nào. Nó không có nghĩa là bạn cần phải làm bất cứ điều gì mà một khách hàng yêu cầu bạn phải làm. Nó chỉ có nghĩa là mục tiêu chính của bạn là mang lại những giá trị tốt nhất cho khách hàng bằng mọi cách.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét